Hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, sáng 23/4/2025, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Tọa đàm “Đại thắng mùa Xuân 1975 - Sức mạnh của ý chí và niềm tin chiến thắng”.
Dự Tọa đàm có các đồng chí: PGS, TS. Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; PGS, TS. Lưu Văn Quảng, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền; TS. Nguyễn Công Dũng, Ủy viên Hội đồng Biên tập - Xuất bản, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cùng đông đảo sinh viên của Học viện.
Các đại biểu dự Tọa đàmTọa đàm là dịp để thế hệ đi sau, đặc biệt là cán bộ, giảng viên, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cùng ôn lại một chặng đường, một mốc son chói lọi trong lịch sử hào hùng của dân tộc, từ đó khơi dậy khát vọng cống hiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời đại mới.
Phát biểu khai mạc, PGS, TS. Lưu Văn Quảng, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh ý nghĩa của việc tiếp nối, gìn giữ và phát huy giá trị lịch sử của dân tộc, coi đó là nền tảng vững chắc để thế hệ trẻ hình thành bản lĩnh chính trị, lòng yêu nước và trách nhiệm công dân.
Đồng chí Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định: “Trong bất kỳ thời đại nào, việc hiểu đúng, trân trọng và tiếp nối những giá trị lịch sử vĩ đại của dân tộc luôn là nền tảng để mỗi cá nhân trưởng thành, nuôi dưỡng khát vọng vươn lên, cống hiến và phụng sự”.
PGS, TS. Lưu Văn Quảng, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu khai mạc Tọa đàm.Thay mặt Lãnh đạo Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, đồng chí Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc đã chia sẻ sâu sắc về ý nghĩa lịch sử của Đại thắng mùa Xuân 1975 - chiến thắng oanh liệt mãi vang vọng như một bản hùng ca bất diệt, có sức lan tỏa mạnh mẽ, gây chấn động dư luận quốc tế.
Đồng chí cũng nhấn mạnh những đóng góp của Nhà xuất bản vào niềm vui chung của cả nước thông qua việc xuất bản nhiều cuốn sách, bộ sách có giá trịnhư: Đại thắng mùa Xuân 1975: Bản hùng ca chiến thắng thời đại Hồ Chí Minh; Những biên bản cuối cùng tại Nhà Trắng: Phút sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa; Liên minh sai lầm: Ngô Đình Diệm - Mỹ và số phận Nam Việt Nam…
Đồng chí Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát biểu tại Tọa đàm.Đặc biệt, hai ấn phẩm tiêu biểu đang tạo được tiếng vang trong đông đảo độc giả là hồi ký Gia đình, bạn bè và đất nước của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (đã phát hành 24.000 bản) và cuốn sách Thành phố Hồ Chí Minh: Giờ khắc số 0: Những phóng sự về kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm, tái hiện khoảnh khắc lịch sử ngày 30/4/1975 qua góc nhìn của các phóng viên nước ngoài.
Đồng chí Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật trao tặng PGS,TS. Lưu Văn Quảng, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền và TS. Đàm Duy Thiên cuốn hồi ký của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình: “Gia đình, bạn bè và đất nước”.Tại Tọa đàm, Thiếu tướng, GS,TS. Nguyễn Văn Tài, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng; Thiếu tướng Nguyễn Công Sơn, nguyên Phó Chánh Văn phòng, Quân ủy Trung ương; Tiến sĩ, bác sĩ Đàm Duy Thiên, nguyên trinh sát, người làm công tác đồ bản thuộc Trung đoàn 266, Sư đoàn 341-Sông Lam, nguyên Hàm Vụ trưởng Vụ 4 Ban Tổ chức Trung ương; Đại tá Lê Hạt, nguyên Chủ nhiệm Khoa Quân sự địa phương, Học viện Quốc phòng; Đại tá Nguyễn Đức Nghinh, Cựu chiến binh Sư đoàn 341 là những vị khách mời trao đổi, giao lưu cùng đại biểu và các thầy cô giáo, sinh viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Họ là những nhân chứng lịch sử - những người lính đã tham gia trực tiếp các trận đánh quan trọng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại mùa Xuân 1975, và cũng là những nhân vật “bước ra từ trang sách”. Trong đó, những câu chuyện của người Cựu chiến binh, Tiến sĩ, bác sĩ Đàm Duy Thiên, chiến sĩ trinh sát được giao nhiệm vụ vô cùng quan trọng - vẽ bản đồ tác chiến trận tấn công vào “cánh cửa thép” Xuân Lộc, mở đường cho các cánh quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn - Gia Định năm 1975 đã mang đến nhiều xúc cảm đặc biệt, những thông tin thú vị, lôi cuốn các bạn sinh viên.
Các nhân chứng lịch sử trao đổi, giao lưu tại Tọa đàm.Trong không khí rất đặc biệt của buổi Tọa đàm, đầy xúc động và tự hào, các vị khách mời và toàn thể đại biểu, các bạn sinh viên có mặt tại Hội trường đã cùng ôn lại diễn biến của những trận đánh cam go, quyết liệt trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975; những nhân tố làm nên chiến thắng Xuân Lộc, chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và Đại thắng mùa Xuân 1975... Thông qua những câu chuyện được chia sẻ, lịch sử không còn là những con số khô khan trong sách giáo khoa mà trở thành những bài học sống động, gần gũi và truyền cảm hứng sâu sắc. Các bạn sinh viên được tiếp cận trực tiếp với những nhân chứng lịch sử, những nhà nghiên cứu uy tín, giúp hình dung rõ nét hơn về một thời kỳ đấu tranh gian khổ nhưng đầy hào hùng của dân tộc.
Tọa đàm thu hút được sự quan tâm của đông đảo sinh viên bởi những câu chuyện chân thật, giàu cảm xúc đã làm sống dậy một thời hoa lửa, hào hùng của dân tộc.Ý nghĩa của việc tổ chức Tọa đàm không dừng lại ở việc “ôn cố tri tân”, mà còn là “ngọn lửa” tiếp nối tinh thần cách mạng vào đời sống hiện đại. Và chính những hoạt động giàu tính giáo dục, đối thoại và truyền cảm hứng như thế này sẽ là chiếc cầu nối đưa lịch sử tiến vào tương lai.
Đồng chí Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và PGS,TS. Lưu Văn Quảng, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền tặng hoa cảm ơn các diễn giả của Tọa đàm
Các đồng chí lãnh đạo, đại biểu và sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền chụp ảnh lưu niệm tại Tọa đàm.