Sign In

Lượt người đang truy cập: -73

Lượt truy cập trong ngày:145

Lượt truy cập tháng này:62,337

Tổng số lượt đã truy cập: 129,323

Giới thiệu Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông Số tháng 1 năm 2025

18:00 11/04/2025

Chọn cỡ chữ A a  

 

Nhân dịp đầu xuân Ất Tỵ 2025, trong không khí rộn ràng của những ngày đầu năm mới, Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông trân trọng gửi tới quý vị lời chúc mừng năm mới an khang, thịnh vượng, vạn sự như ý!.

Năm 2024, Tạp chí đánh dấu một chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển. Đây không chỉ là cột mốc ghi nhận sự trưởng thành của Tạp chí, mà còn là dịp để nhìn lại những thành tựu đã đạt được trên hành trình đóng góp vào sự nghiệp nghiên cứu, đào tạo và phổ biến tri thức thuộc lĩnh vực lý luận chính trị, báo chí - truyền thông, và các ngành khoa học xã hội, nhân văn khác.

Những thành công ấy không thể có được nếu thiếu đi sự tin tưởng, đồng hành cùng sự đóng góp nhiệt tình từ quý bạn đọc và đội ngũ cộng tác viên. Chính sự tận tâm đóng góp trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và cộng tác viên đã tạo nên sức sống bền bỉ, giúp Tạp chí không ngừng đổi mới, khẳng định vị thế là cơ quan ngôn luận khoa học uy tín của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Bước sang năm mới, Tạp chí mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, đóng góp quý báu từ quý bạn đọc và cộng tác viên để Tạp chí hoàn thành tốt sứ mệnh lan tỏa tri thức, kết nối học thuật và phục vụ sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu khoa học của Học viện.

Ban Biên tập Tạp chí trân trọng cảm ơn và kính chúc các đồng chí, các bạn và gia đình một năm mới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công!

Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số 1 năm 2025 xin gửi đến bạn đọc gần xa nhiều bài viết giá trị.

Mở đầu là bài xã luận “Năm 2025 mở ra thời cơ, vận hội và niềm hy vọng mới!”. Năm 2024 khép lại với những dấu ấn đáng tự hào trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Những thành tựu đạt được không chỉ là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ của toàn Đảng, toàn dân mà còn là nền tảng vững chắc để Việt Nam vững bước tiến vào năm 2025 - năm có ý nghĩa đặc biệt khi cả nước tiến hành Đại hội Đảng các cấp, hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.

Năm qua, kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định, bất chấp những biến động phức tạp của tình hình kinh tế toàn cầu. Các ngành mũi nhọn như công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ thông tin, và năng lượng tái tạo đã phát huy vai trò động lực trong việc thúc đẩy tăng trưởng. Xuất khẩu tiếp tục đạt mức tăng trưởng khả quan, trong khi nông nghiệp không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu. Những con số ấy là minh chứng rõ nét cho tinh thần sáng tạo, vượt khó và bản lĩnh của nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.

Cùng với kinh tế, các lĩnh vực xã hội, văn hóa, giáo dục và y tế cũng ghi nhận những bước tiến quan trọng. Chính sách an sinh xã hội được triển khai hiệu quả, góp phần đảm bảo cuộc sống ổn định cho hàng triệu người dân, đặc biệt là các đối tượng yếu thế. Các chương trình đổi mới giáo dục và chăm sóc y tế tiếp tục được chú trọng, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải thiện sức khỏe cộng đồng - những nhân tố cốt lõi cho sự phát triển bền vững.

Năm 2024 cũng là năm Việt Nam ghi dấu ấn mạnh mẽ trên trường quốc tế. Vai trò, vị thế của đất nước trong các diễn đàn khu vực và toàn cầu được khẳng định. Những nỗ lực trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế, bảo vệ chủ quyền và củng cố quan hệ đối tác chiến lược đã tạo ra những thời cơ và vận hội mới, đồng thời khẳng định hình ảnh một Việt Nam năng động, trách nhiệm và sẵn sàng hội nhập. Đây là minh chứng cho sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng và sự quản lý linh hoạt, năng động của Nhà nước trong bối cảnh thế giới còn nhiều biến động.

Bước sang năm 2025, đất nước đứng trước những vận hội lớn lao nhưng cũng không ít thách thức. Với tầm nhìn sáng suốt và thống nhất cao độ, Trung ương Đảng chỉ đạo tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh các giải pháp tăng tốc phát triển, tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế. Đại hội Đảng các cấp sẽ là dịp để toàn Đảng, toàn dân nhìn lại chặng đường đã qua, xác định những mục tiêu và chiến lược quan trọng cho giai đoạn phát triển mới. Những vấn đề trọng tâm như chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế xanh, phát triển bền vững và đảm bảo an ninh quốc gia tiếp tục được đặt lên hàng đầu. Đây chính là thời điểm để toàn dân, toàn hệ thống chính trị tập trung trí tuệ, chung sức, đồng lòng nhằm đạt được các mục tiêu lớn.

Trên hành trình ấy, tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, cùng khát vọng xây dựng một đất nước phồn vinh, hạnh phúc chính là những nhân tố quyết định để biến thời cơ thành hiện thực. Mỗi người dân Việt Nam, dù ở bất kỳ lĩnh vực nào, đều có thể góp phần vào sự phát triển của đất nước bằng chính sự sáng tạo, trách nhiệm và nỗ lực không ngừng.

Năm 2025 mở ra một chương mới trong hành trình xây dựng và phát triển của đất nước. Những thành tựu đạt được trong năm 2024 là động lực to lớn, tiếp thêm sức mạnh để Việt Nam vững bước tiến lên. Trong niềm hy vọng mới, toàn dân tộc đồng lòng hướng tới một tương lai tươi sáng, hiện thực hóa khát vọng về một nước Việt Nam hùng cường trên hành trình phát triển chung của nhân loại.

Kế tiếp là bài viết “Phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển ở Việt Nam trong giai đoạn mới” của GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng. Sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế không ngừng được nâng lên. Kế thừa các thành tựu phát triển của nhiều nhiệm kỳ, Đại hội XIV của Đẩng sẽ là dấu mốc quan trọng, một khởi điểm lịch sử đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, quyết tâm hoàn thành thắng lợi hai mục tiêu lớn kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập Nước, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Để thực hiện hóa khát vọng lớn lao ấy, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định phải tận dụng và phát huy mạnh mẽ mọi thuận lợi, thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt, rào cản nhằm khơi thông, giải phóng mọi nguồn lực bên trong và bên ngoài, nhất là nguồn lực trong nhân dân; đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, các quá trình chuyển đối số quốc gia, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng để tạo ra những chuyển đổi mang tính cách mạng trong việc phát triển lực lượng sản xuất mới, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển bứt phá trong bối cảnh thế giới đang diễn ra những thay đổi mang tính thời đại.

Từ thực tiễn lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, Đảng ta đã và đang tổng kết thực tiễn trong và ngoài nước, rút ra được nhiều bài học quan trọng để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện lý luận về xây dựng CNXH ở Việt Nam, quyết tâm thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Chuyên mục Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong số này giới thiệu đến bạn đọc ba bài viết. Bài thứ nhất “Đổi mới công tác tuyên truyền giáo dục lý luận chính trị góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” của GS, TS. Lê Văn Lợi. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta rất chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị, coi đó là nhiệm vụ quan trọng, đồng thời là phương thức cơ bản để nâng cao nhận thức, trình độ lý luận chính trị cũng như lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong thời kỳ đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác giáo dục, lý luận chính trị đã đạt được nhiều kết quả, dấu ấn nổi bật, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thời gian qua vẫn còn những hạn chế, bất cập nhất định. Hiện nay, tình hình thế giới đang diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó lường và tác động đa chiều đến nước ta. Trong khi đó, công cuộc xây dựng và phát triển đất nói chung, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị nói riêng trong bối cảnh mới đặt ra yêu cầu rất cao đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Bởi vậy, cần phải đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.

Bài thứ hai “Minh định đặc tính khoa học, cách mạng, nhân văn của tư tưởng Hồ Chí Minh - vũ khí quan trọng để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch” của PGS, TS. Trần Thị Minh Tuyết. Chủ tịch Hồ Chí Minh đi vào “thế giới người hiền” nhưng di sản tinh thần mà Người để lại, trong đó, tư tưởng Hồ Chí Minh đóng vai trò hạt nhân, ngày càng tỏ rõ sức sống bất hủ và giá trị soi đường. Điều căn cốt làm nên sức sống và giá trị to lớn đó chính là các đặc tính khoa học, cách mạng và nhân văn trong tư tưởng của Người. Hệ thống hóa và minh định biểu hiện của các đặc tính cao quý đó là việc làm hết sức cần thiết. Lý do là bởi, muốn bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh hay đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc tư tưởng của Người với tư cách là bộ phận hợp thành nền tảng tư tưởng của Đảng, điều quan trọng là người bảo vệ phải có niềm tin khoa học và thấu suốt bản chất, đặc tính của cái mình bảo vệ. Tác giả bài viết lựa chọn chủ đề này xuất phát từ quan niệm đó.

Bài thứ ba “Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” của TS. Lê Đức Hoàng. Lựa chọn con đường cách mạng vô sản của Mác - Lênin là sự lựa chọn của chính lịch sử dân tộc Việt Nam. Đi theo con đường đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giành những thắng lợi vĩ đại, mở ra nhiều kỷ nguyên mới phát triển về chất. Bởi vậy, bất luận trong hoàn cảnh nào, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đều một lòng quyết tâm bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng làm kim chỉ nam cho hành động tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với thắng lợi mới.

Tiếp đến là chuyên mục Nghiên cứu, trao đổi mang đến cho bạn đọc những bài biết giàu giá trị khoa học, bổ ích. 

Bài viết “Vài suy nghĩ về định nghĩa của Hồ Chí Minh về lãnh đạo đúng” của GS, TS. Tạ Ngọc Tấn. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng muốn lãnh đạo đúng thì phải đặt vấn đề mấu chốt, quyết định ở Dân. Mọi vấn đề của lãnh đạo đều xoay quanh dân, gắn bó chặt chẽ với Dân. Dân là là mục đích của lãnh đạo. Dân là cơ sở, chỗ dựa cho lãnh đạo. Dân là điều kiện bảo đảm cho thành công của lãnh đạo. Đây là sự kế thừa, kết tinh từ kinh nghiệm lịch sử của đất nước ta và của cả thế giới. Đó cũng chính là một vấn đề có tính quy luật của lãnh đạo, mọi sức mạnh, mọi quyền lực của người lãnh đạo hay tổ chức lãnh đạo đều đến từ dân, đều được dân trao cho thông qua niềm tin. Cho nên, quan điểm về dân trong định nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh về lãnh đạo đúng có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, vô cùng quan trọng. 

Bài viết “Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa trong tổ chức Đảng” của PGS, TS. Mai Đức Ngọc. Xây dựng văn hóa trong tổ chức Đảng là một nội dung quan trọng, có tính xuyên suốt, hệ thống trong tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt là xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói riêng và toàn bộ di sản Hồ Chí Minh nói chung. Tư tưởng của Người không chỉ có giá trị đối với dân tộc, với Đảng trong kỷ nguyên đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội mà vẫn là những chỉ dẫn quý báu, có tính thời sự nóng hổi trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của nước ta hiện nay. Trong phạm vi bài viết này, tác giả đi sâu luận giải, làm sáng rõ những quan điểm của Hồ Chí Minh về tính tất yếu, nội dung và giải pháp xây dựng văn hóa trong tổ chức Đảng, làm cho Đảng Cộng sản Việt Nam thật sự là một Đảng cách mạng, là đạo đức và văn minh, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân và hoàn thành sứ mệnh vinh quang mà dân tộc giao phó.

Bài viết “Tiếp tục sứ mệnh của nền báo chí cách mạng Việt Nam trong bối cảnh mới” của PGS, TS. Phạm Minh Sơn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã có những đóng góp vô cùng quan trọng trong suốt quá trình lịch sử đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam đã trở thành vũ khí sắc bén góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cổ vũ và củng cố khối đại đoàn kết nhân dân, trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, báo chí cách mạng Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, hoàn thành tốt sứ mệnh của một nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại để góp phần đắc lực vào sự phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Trong chuyên mục này còn có những bài viết khác như “Việt Nam độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường bước vào kỷ nguyên mới của sự phát triển - qua nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh” của GS, TS. Mạch Quang Thắng; bài viết “Vượt qua các rào cản về tư tưởng, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” của TS. Lương Ngọc Vĩnh.

Kế tiếp là chuyên mục Thực tiễn - kinh nghiệm mang đến bạn đọc những bài viết giàu giá trị thực tiễn. Bài viết “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội - sự lựa chọn phù hợp với xu thế của thời đại, khát vọng của nhân dân Việt Nam” của TS. Vũ Ngọc Lương. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Ðảng và Nhân dân Việt Nam lựa chọn, xét về logic là một tất yếu khách quan, hoàn toàn phù hợp với sự vận động của cách mạng Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Trên cơ sở lý luận và thực tiễn, có thể khẳng định rằng, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn phù hợp với xu thế của thời đại, khát vọng của nhân dân Việt Nam.

Bài viết “Báo chí - truyền thông với việc bảo đảm an ninh tư tưởng ở Việt Nam hiện nay” của PGS, TS. Trần Thanh Giang. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, những giá trị tư tưởng truyền thống của dân tộc đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ bên ngoài. Các luồng tư tưởng, giá trị văn hóa mới từ các quốc gia khác nhau liên tục được du nhập, đòi hỏi sự tiếp nhận và chọn lọc cẩn trọng để không làm xói mòn bản sắc dân tộc. Đồng thời, sự bùng nổ của thông tin trên không gian mạng đã tạo điều kiện cho những thông tin không đúng sự thật, thông tin xấu, độc, phản động lan tràn trên mạng xã hội, dẫn đến nguy cơ gây xung đột tư tưởng và làm suy giảm niềm tin của một bộ phận người dân vào Đảng, vào sự điều hành, quản lý của Nhà nước.

Bài viết “Truyền thông tăng cường nhận thức về cơ hội từ quá trình chuyển đổi nhằm phát triển bền vững vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ - Một số quan niệm bước đầu” của PGS, TS. Trần Hải Minh và PGS, TS. Lương Khắc Hiếu. Vấn đề phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long là một vấn đề thực tiễn cấp bách trong trung và dài hạn. Hiện nay, trước những nguy cơ, thách thức do vấn đề biến đổi khí hậu tiêu cực có thể gây ra với khu vực này trong trung và dài hạn, đã có nhiều nghiên cứu khoa học để góp phần giảm thiểu thiệt hại, thích ứng với biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững thông qua ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, để các nghiên cứu trên có thể đi vào cuộc sống, cần có quá trình truyền thông tăng cường nhận thức, tạo ra những chuyển biến từ suy nghĩ đến hành động của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. 

Bài viết “Tri thức quốc tế - tầm nhìn chiến lược: Những bài học từ chuyến công tác chấu Âu” Cuối năm 2024, đoàn công tác của Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã thực hiện hành trình nửa tháng đầy ý nghĩa tại Áo và Đức - những quốc gia tiên tiến của châu Âu, nơi hội tụ các giá trị về tri thức, văn hóa và chính trị. Chuyến đi không chỉ mở rộng hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu báo chí - truyền thông, mà còn tạo ra cơ hội quan trọng để tiếp xúc với các tổ chức chính trị uy tín, khám phá các giá trị văn hóa bản địa phong phú và nghiên cứu những mô hình quản trị xã hội hiệu quả. Những bài học về chuyển đổi số trong truyền thông, sự đa dạng và trách nhiệm xã hội của báo chí, cũng như tính minh bạch trong quản lý công đã mang đến cái nhìn toàn diện về sự kết hợp giữa lý thuyết, thực tiễn và các giá trị nhân văn. Đây không chỉ là bước tiến chiến lược của Học viện nhằm khẳng định vị thế quốc tế, mà còn là dịp để giới thiệu tinh thần hội nhập và những giá trị học thuật, văn hóa của Việt Nam.

Trong số chào Xuân Ất Tỵ, Ban Biên tập giới thiệu đến bạn đọc những bài thơ đặc sắc, giàu cảm xúc trong thời khắc đất trời vào Xuân; tình người, tình đời đong đầy những niềm tin yêu. 

Đặc biệt là không thể thiếu chuyên mục Mùa xuân, ngày Tết với những bài viết như, bài viết “Mùa xuân, suy tư về câu chuyện Con rắn - Loài người - Trái cấm” của tác giả Hạnh Huy Hiển; bài viết “Tết Việt - Nhớ về cội nguồn dân tộc Việt Nam” của tác giả Phạm Hữu Nghĩa; bài viết “Tản mạn khi mùa xuân về” của tác giả Thái Hà; bài viết “Tết Nguyên Đán - bản giao hòa giữa quá khứ, hiện tại và tương lai” của tác giả Trương Thị Thu Quyên; bài viết “Những “thanh âm” trong Tết Hà Nội xưa” của tác giả Tạ Đức Tuấn.

Các chuyên mục khác như Chuông làng báo; Sự kiện - Bình luận tiếp tục mang đến cho bạn đọc những bài viết giá trị.

Xin trân trọng giới thiệu!

TCLLCT&TT

Ý kiến

Giới thiệu Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông Số tháng 7/2024

Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số tháng 7 ra mắt bạn đọc với nhiều bài viết giá trị. Mở đầu Tạp chí là bài viết “Kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024)”. Gần tám mươi năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã nhất tề đứng dậy quyết tâm thực hiện lợi kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không làm nô lệ”. Bằng tinh thần yêu nước quật cường, nhân dân ta đã vượt qua bao khó khăn, trở ngại, gian khổ hy sinh để đánh thắng các thế lực xâm lược giành độc lập tự do, thống nhất Tổ Quốc. Để làm nên chiến thắng to lớn ấy, đã có hàng triệu chiến sĩ, đồng bào ta chiến đấu và anh dũng hy sinh trên khắp mọi chiến trường, mặt trận của cả nước.
Giới thiệu Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số tháng 3/2024

Giới thiệu Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số tháng 3/2024

Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số tháng 3 ra mắt bạn đọc với nhiều bài viết giá trị, bổ ích. Mở đầu là bài “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác, kế tục xứng đáng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Giới thiệu Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số tháng 2/2024

Giới thiệu Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số tháng 2/2024

Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số tháng 2/2024 ra mắt bạn đọc với nhiều bài viết giá trị. Mở đầu là bài “Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2024)”. Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu sáng lập là kết quả của sự hợp nhất ba tổ chức cộng sản: Đông Dương cộng sản Đảng, An Nam cộng sản Đảng và Đông Dương cộng sản Liên Đoàn. Nhân dân ta chào đón mùa xuân Giáp Thìn – 2024 cũng là dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2024)...