Sign In

Lượt người đang truy cập: 1

Lượt truy cập trong ngày:1

Lượt truy cập tháng này:64,864

Tổng số lượt đã truy cập: 134,138

Giới thiệu Mục lục Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số tháng 2 năm 2025

15:00 15/04/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số tháng 2 năm 2025 hân hạnh ra mắt bạn đọc với nhiều bài viết giá trị, bổ ích.

Mở đầu là bài viết “Kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2025)”. Ngày 3 tháng 2 hằng năm là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta cùng nhau ôn lại những chặng đường lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ mùa xuân năm 1930, khi Đảng ra đời dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, con đường đấu tranh cách mạng của dân tộc ta đã bước sang một trang mới đầy hy vọng và niềm tin tất thắng.

Sự ra đời của Đảng là một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử của dân tộc.

Trong những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, trước sự đàn áp của thực dân Pháp, phong trào yêu nước của nhân dân ta diễn ra mạnh mẽ nhưng thiếu một tổ chức lãnh đạo thống nhất, dẫn đến nhiều thất bại. Nhận thức rõ điều đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã dày công nghiên cứu, tìm ra con đường cứu nước đúng đắn - con đường cách mạng vô sản theo tư tưởng Mác - Lênin.

Ngày 3/2/1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã diễn ra. Sự kiện này đã mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử dân tộc, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trên con đường giành độc lập, tự do cho đất nước. Ban đầu, Đảng có tên là Đảng Cộng sản Việt Nam, sau đổi thành Đảng Cộng sản Đông Dương vào tháng 10/1930 và đến năm 1951 trở lại tên gọi Đảng Lao động Việt Nam. Từ năm 1976 đến nay, Đảng mang tên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Xét bối cảnh ra đời của Đảng, vào cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20, Việt Nam đang chịu sự đô hộ của thực dân Pháp. Các phong trào yêu nước chống Pháp như phong trào Cần Vương, Đông Du, Duy Tân, Việt Nam Quang phục Hội lần lượt thất bại do thiếu đường lối đúng đắn và tổ chức vững mạnh.

Trong bối cảnh đó, Nguyễn Ái Quốc (tức Hồ Chí Minh) ra đi tìm đường cứu nước năm 1911. Sau nhiều năm bôn ba, Người tiếp thu chủ nghĩa Mác -Lênin và nhận thấy rằng cách mạng Việt Nam cần có một chính đảng kiểu mới để lãnh đạo.

Năm 1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội để truyền bá tư tưởng cách mạng, đây là một tổ chức “quá độ” đặt cơ sở cho một Đảng Cộng sản về sau. Người ra báo Thanh niên, huấn luyện, đào tạo cán bộ, tổ chức tuyên truyền lý luận cách mạng giải phóng dân tộc của chủ nghĩa Lênin, tư tưởng cách mạng của Người vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam; cách mạng hoá quần chúng và dân tộc, nâng nhân dân và dân tộc ta vươn lên ngang tầm cách mạng của thời đại. Phong trào cách mạng của nhân dân ta ngày càng phát triển mạnh và có ý thức chính trị vô sản rõ rệt.

Sự kết hợp ngày càng chặt chẽ chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước sục sôi của nhân dân ta đã thúc đẩy sự ra đời của các tổ chức cộng sản ở Việt Nam. Năm 1929, phong trào công nhân và phong trào yêu nước phát triển mạnh, dẫn đến sự hình thành ba tổ chức cộng sản, gồm: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Ba tổ chức này hoạt động riêng rẽ, gây ra sự chia rẽ trong phong trào cách mạng. Để thống nhất lực lượng, Nguyễn Ái Quốc triệu tập Hội nghị hợp nhất Đảng vào ngày 3/2/1930 tại Cửu Long, Hương Cảng.

Tại Hội nghị này, các tổ chức cộng sản được thống nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng ra đời đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử Việt Nam, thống nhất lực lượng cách mạng. Đảng đã xác lập đường lối cách mạng đúng đắn: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là kết tinh của phong trào yêu nước và sự tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, đặt nền tảng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước sau này.

Hiện nay Đảng ta quyết tâm lãnh đạo đất nước bước vào Kỷ nguyên Vươn mình của dân tộc Việt Nam. Khi bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên Vươn mình, Việt Nam đứng trước cơ hội và thách thức chưa từng có để tái định hình vị thế của mình trên trường quốc tế. Đây không chỉ là một giai đoạn phát triển kinh tế, mà còn là sự chuyển mình toàn diện về khoa học - công nghệ, văn hóa, chính trị và tư duy lãnh đạo.

Thế giới đang thay đổi nhanh chóng với sự trỗi dậy của công nghệ AI, công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo và nền kinh tế số. Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Nếu muốn trở thành một cường quốc tầm trung có sức ảnh hưởng, đất nước cần một chiến lược phát triển toàn diện, kết hợp giữa tiềm lực dân tộc và xu hướng thời đại.

Những yếu tố chính thúc đẩy kỷ nguyên này bao gồm: Sự phát triển của khoa học - công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), giúp nâng cao năng suất, tự động hóa và tối ưu hóa nguồn lực; sự hội nhập sâu rộng với thế giới, thông qua các hiệp định thương mại và hợp tác chiến lược với các cường quốc; nhận thức mới về vị thế dân tộc, với khát vọng lớn hơn của người Việt trong việc xác lập dấu ấn trên bản đồ toàn cầu.

Khi xác định vai trò của lãnh đạo đất nước trong Kỷ nguyên vươn mình, không thể chỉ là những nhà quản trị truyền thống, mà Đảng cần những nhà lãnh đạo có tâm, có tầm trở thành những kiến trúc sư chiến lược, những người khơi nguồn cảm hứng, và những chủ thể thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Đây là những nhà lãnh đạo dẫn dắt đất nước bằng tư duy chiến lược dài hạn, không chỉ phản ứng với tình huống mà phải chủ động kiến tạo tương lai. Đây cũng là mẫu hình nhà lãnh đạo quyết tâm thúc đẩy nền kinh tế tri thức, trong đó AI và công nghệ số đóng vai trò trung tâm. Đảng đề ra quyết tâm cải cách thể chế mạnh mẽ, tạo ra môi trường chính sách linh hoạt, thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của thế giới. Gắn kết sức mạnh dân tộc, khơi dậy lòng yêu nước và sự tự hào để biến dân số vàng thành nguồn nhân lực tri thức.

Không có hành trình vươn lên nào là dễ dàng. Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn, đó là: Tư duy bảo thủ và lực cản từ cơ chế cũ có thể làm chậm tốc độ đổi mới; sự cạnh tranh khốc liệt trên thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao; những biến động địa chính trị, buộc chúng ta phải khéo léo trong chính sách đối ngoại.

Tuy nhiên, nếu có một chiến lược đúng đắn, Việt Nam có thể tận dụng thế mạnh dân tộc, tài nguyên con người, và cơ hội từ thời đại số để bước vào Kỷ nguyên Vươn mình một cách mạnh mẽ. Đây không chỉ là một giấc mơ, mà là một sứ mệnh của cả dân tộc.

Bằng thực tiễn kinh nghiệm phong phú trong quá trình Đảng lãnh đạo nhân dân làm cách mạng, chúng ta có niềm tin son sắt vào sự lãnh đạo của Đảng. Trải qua 95 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn là ngọn cờ tiên phong, soi đường cho dân tộc. Dưới ánh sáng của Đảng, nhân dân ta đã, đang và sẽ tiếp tục vững bước trên con đường xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh, dân chủ.

Kỷ niệm ngày thành lập Đảng 3/2, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân càng thêm tự hào về truyền thống vẻ vang của Đảng, tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, quyết tâm cùng nhau đoàn kết, nỗ lực vì một Việt Nam phát triển hùng cường.

Chuyên mục Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng kỳ này giới thiệu đến bạn đọc 4 bài viết. Bài thứ nhất “Sự thật về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam là không thể đảo ngược” của TS. Phan Sỹ Thanh. Hiện nay, các thế lực thù địch đang ráo riết thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” với mức độ ngày càng quyết liệt và gay gắt. Dân chủ, nhân quyền là chiêu bài mà chúng sử dụng để kích động, gây rối, phá hoại và làm mất ổn định chính trị - xã hội, đồng thời chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mục tiêu của chúng là phá vỡ sự ổn định chính trị, làm suy yếu và tiến tới lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, từ đó xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Bài thứ hai “Bản lĩnh của nhà báo trong đấu tranh chống tin giả, thông tin xấu độc, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” của PGS, TS. Đinh Thị Thu Hằng và ThS. Nguyễn Thị Thu Trà. Sự hoành hành của tin giả đã trở thành một mối nguy hại lớn đối với đời sống xã hội. Đặc biệt nguy hiểm là thế lực thù địch cố ý tung tin giả để chống phá Đảng, Nhà nước ta, phá hoại sự đoàn kết dân tộc, thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình” một cách tinh vi, xảo quyệt. “Sự chống phá của các thế lực thù địch, tổ chức phản động ngày càng tinh vi hơn” (1), khiến “Một bộ phận cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị không vững vàng, suy thoái về tư tưởng chính trị, còn hoài nghi, mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; một số ít hoang mang, dao động, mất lòng tin”(2), “đe doạ nghiêm trọng đến sự phát triển ổn định, bền vững của thế giới, khu vực và đất nước ta”(3). Đấu tranh chống tin giả trên mạng xã hội đã trở thành yêu cầu cấp thiết, là nhiệm vụ chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, trong đó báo chí và đội ngũ nhà báo có vai trò xung kích.

Bài thứ ba “Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay” của TS. Phạm Thị Hoa và ThS. Lưu Văn Thắng. Già làng, trưởng bản, người có uy tín là những người được người dân tôn trọng, tin tưởng nên vị thế, vai trò và ảnh hưởng của họ trong cộng đồng người dân tộc thiểu số hiện nay là rất lớn. Đóng góp của họ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, phát triển đời sống đồng bào vùng dân tộc thiểu số những năm qua là rất đáng ghi nhận. Thời gian gần đây, các thế lực thù địch hướng mũi tấn công vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số hòng lôi kéo, kích động, xúi giục đồng bào, nói xấu chế độ, chống phá cách mạng nước ta. Trong bối cảnh đó, phát huy vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng người dân tộc thiểu số, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay là rất cần thiết. Đây cần được xác định là lực lượng nòng cốt trong công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nước ta.

Bài thứ tư “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông - vũ khí sắc bén trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch” của PGS, TS. Bùi Thị Kim Hậu. Với quá trình 30 năm ra đời, trưởng thành và phát triển, Tạp chí Lý luận Chính trị và truyền thông đã thực hiện tốt tôn chỉ và mục đích của tờ báo cách mạng Việt Nam, trong đó đã thực hiện xuất sắc vai trò, nhiệm vụ chính trị của một tờ báo Đảng, là vũ khí sắc bén trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch. Trên cơ sở đó, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển công tác lý luận chính trị, truyền thông nói riêng và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa nói chung trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay.         

Chuyên mục Nghiên cứu – trao đổi trong số này giới thiệu đến bạn đọc nhiều bài viết giá trị nghiên cứu chuyên sâu. Bài viết “Phát triển kinh tế trong kỷ nguyên mới: cơ hội và thách thức” của PGS, TS. Vũ Văn Hà và PGS, TS. Phạm Thị Thanh Tịnh. Sau gần 40 năm đổi mới (1986-2025), Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, kinh tế tăng trưởng vượt bậc tạo cơ sở giải quyết các vấn đề xã hội và nâng cao mức sống người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, Việt Nam đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức như: Biến đổi khí hậu, cạnh tranh quốc tế gay gắt, chênh lệch giàu nghèo, ô nhiễm môi trường, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp. Bước vào kỷ nguyên mới được khởi đầu với Đại hội XIV của Đảng mà ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và trở thành nước phát triển, có thu nhập cao năm 2045.

Bài viết “Báo chí cách mạng Việt Nam trong kỷ nguyên mới” của PGS, TS. Trương Thị Kiên. Tháng 6/2025, báo chí cách mạng Việt Nam tròn 100 tuổi - mốc son lịch sử với những thành tựu, dấu ấn đáng tự hào. Hàng trăm tòa soạn, hơn 40.000 nhà báo và hàng ngàn cán bộ, phóng viên đã giúp báo chí cách mạng Việt Nam thực hiện tốt sứ mệnh tuyên truyền thi đua yêu nước, khơi dậy tự tin, tự lực, tự hào dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Bước sang kỷ nguyên mới với nhiều thời cơ và thách thức đan xen, báo chí phải tiếp tục nỗ lực phát triển, trở thành lực lượng tiên phong dẫn dắt, củng cố niềm tin cách mạng trong thực hiện mọi nhiệm vụ chính trị của nhân dân. Cùng với đó, hoạt động quản lý báo chí cũng cần chuyển đổi nhanh, mạnh, sáng tạo, góp phần cùng báo chí đưa đất nước bay lên hùng cường, thịnh vượng.

Bài viết “Phát huy các nguồn lực để phát triển bền vững đất nước trong kỷ nhuyên mới của dân tộc dưới ánh sáng di sản Hồ Chí Minh” của TS. Nguyễn Thị Minh Thùy. Trong di sản Hồ Chí Minh, Người đã chỉ ra rằng muốn phát triển bền vững đất nước cần phải huy động và phát huy các nguồn lực phát triển. Sự nghiệp phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đang đòi hỏi phải nghiên cứu, khai thác các nguồn lực để phát triển đất nước cho phù hợp với xu thế mới của thời đại. Trên cả hai bình diện, lý luận và thực tiễn, phát huy các nguồn lực phát triển theo di sản Hồ Chí Minh đã và đang có ý nghĩa thời sự to lớn trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Bài viết “Tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến ngành xuất bản hiện nay” của TS. Trần Chí Đạt. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra với tốc độ chóng mặt, tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành Xuất bản nước ta. Trước bối cảnh vừa có cơ hội vừa đối mặt với thách thức, việc đánh giá một cách khách quan sự tác động của Cách mạng 4.0 trở nên quan trọng và là cơ sở để các cơ quan chỉ đạo, quản lý có những định hướng và định hình các chính sách phù hợp, hiệu quả cho sự phát triển lĩnh vực này trong tương lai.

Kế tiếp là chuyên mục Thực tiễn – Kinh nghiệm giới thiệu đến bạn đọc nhiều bài viết công phu giàu giá trị thực tiễn. Bài viết “Chủ tịch Hồ Chí Minh – người thầy của Báo chí cách mạng Việt Nam” của TS. Vũ Tuấn Hà. Với vai trò là người sáng lập, định hướng và dẫn dắt nền Báo chí cách mạng, Người không chỉ là nhà báo mà còn là người thầy mẫu mực, đã truyền cảm hứng, lý tưởng và những bài học sâu sắc về đạo đức, tinh thần trách nhiệm cho nhiều thế hệ làm báo. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh vai trò của báo chí trong sự nghiệp cách mạng và trong quá trình xây dựng, bảo vệ đất nước. Người không ngừng đấu tranh để báo chí không chỉ là công cụ tuyên truyền mà còn là tiếng nói của nhân dân, là phương tiện để bảo vệ công lý, cổ vũ tinh thần dân tộc và thể hiện ý chí độc lập, tự do của đất nước. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Người đã viết hơn 2.000 bài báo bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, đó là di sản quý báu của nền Báo chí cách mạng Việt Nam. Từ những bài báo đầu tiên cho đến các tác phẩm báo chí, tư tưởng và phong cách làm báo của Người đã trở thành kim chỉ nam cho các thế hệ nhà báo cách mạng Việt Nam.

Bài viết “Thành công trong chiến lược ngoại giao văn hóa của Hàn Quốc và gợi mở cho Việt Nam” của ThS. Nguyễn Thu Trang. Là một trong ba trụ cột chính của nền ngoại giao, ngoại giao văn hóa đang phát huy vai trò trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, nâng cao vị thế của các quốc gia trên trường quốc tế. Thành công trong việc sử dụng văn hóa như một công cụ để mở rộng ảnh hưởng của Hàn Quốc là thành công của một quốc gia đã và đang đưa những hình ảnh, giá trị tốt đẹp của mình ra thế giới. Những thành công của chiến lược ngoại giao văn hóa của Hàn Quốc cũng đưa ra nhiều gợi mở cho Việt Nam trong quan hệ quốc tế ngày nay.

Bài viết “Trung Quốc truyền thông chủ nghĩa Mác tới Gen Z: Sự kết hợp giữa giáo dục chính trị và tiêu dùng văn hóa số” của TS. Nguyễn Vân Hạnh. Nghiên cứu này phân tích các chiến lược sáng tạo của Trung Quốc trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác tới thế hệ Z (Gen Z), thông qua sự kết hợp giữa giáo dục chính trị và tiêu dùng văn hóa số. Từ việc hiểu đặc điểm tiếp nhận của Gen Z, Trung Quốc đã giúp thế hệ này tiếp cận tư tưởng Mác-xít qua các chương trình truyền hình, phim hoạt hình, biểu tượng cảm xúc trên WeChat và video âm nhạc trên các nền tảng số… Những sản phẩm này được thiết kế phù hợp với thẩm mỹ và sở thích của Gen Z. Việt Nam, với những nét tương đồng về đặc trưng thế hệ, có thể tham khảo và vận dụng kinh nghiệm từ Trung Quốc nhằm nâng cao hiệu quả truyền thông chủ nghĩa Mác trong giới trẻ.

Trong chuyên mục này còn các bài viết khác như, bài viết “Đạo đức và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” của PGS, TS. Đinh Thị Thúy Hằng và TS. Bùi Đức Giang; bài viết “Tăng cường liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp trong xây dựng chương trình đào tọa - giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo” của TS. Nguyễn Thị Kim Thu; bài viết “Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp tại Thành phố Hà Nội hiện nay” của ThS. Phạm Tuyên; bài viết “Đạo đức của người làm truyền thông doanh nghiệp: Lý thuyết về đạo đức và các bộ quy tắc đạo đức” của ThS. Tào Thanh Huyền.

Các chuyên mục khác như Chuông làng báo; Sự kiện – Bình luận tiếp tục mang đến cho bạn đọc bài viết hay, sâu sắc.

Xin trân trọng giới thiệu!

BBT Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông

Ý kiến

Giới thiệu Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông Số tháng 7/2024

Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số tháng 7 ra mắt bạn đọc với nhiều bài viết giá trị. Mở đầu Tạp chí là bài viết “Kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024)”. Gần tám mươi năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã nhất tề đứng dậy quyết tâm thực hiện lợi kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không làm nô lệ”. Bằng tinh thần yêu nước quật cường, nhân dân ta đã vượt qua bao khó khăn, trở ngại, gian khổ hy sinh để đánh thắng các thế lực xâm lược giành độc lập tự do, thống nhất Tổ Quốc. Để làm nên chiến thắng to lớn ấy, đã có hàng triệu chiến sĩ, đồng bào ta chiến đấu và anh dũng hy sinh trên khắp mọi chiến trường, mặt trận của cả nước.
Giới thiệu Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số tháng 3/2024

Giới thiệu Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số tháng 3/2024

Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số tháng 3 ra mắt bạn đọc với nhiều bài viết giá trị, bổ ích. Mở đầu là bài “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác, kế tục xứng đáng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.