Sign In

Lượt người đang truy cập: -67

Lượt truy cập trong ngày:57

Lượt truy cập tháng này:7,711

Tổng số lượt đã truy cập: 28,445

Lịch sử hình thành và phát triển

23:17 20/02/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Mùa Xuân năm 1962, theo Nghị quyết 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trường Tuyên huấn được thành lập. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, trước những yêu cầu khác nhau ở từng giai đoạn phát triển, Trường đã nhiều lần đổi tên:

- Trường Tuyên giáo Trung ương (tháng 01/1962 – tháng 10/1969): Ngày 16/01/1962, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về việc thống nhất: Trường Nguyễn Ái Quốc phân hiệu II và Trường Tuyên Giáo thành Trường Tuyên giáo Trung ương, (tiền thân của Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Trường Tuyên giáo Trung ương là một đơn vị thuộc hệ thống trường Đảng, giao cho Ban Tuyên giáo Trung ương phụ trách trường nàyCũng từ đó, ngày 16/01 hàng năm được lấy làm ngày kỷ niệm thành lập Trường.

- Trường Tuyên huấn Trung ương (tháng 10/1969 – tháng 1/1983): Ngày 09/10/1969, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Thông báo số 11-TB/TW, trong đó ghi rõ: “Căn cứ vào nhiệm vụ cụ thể của Trường Tuyên giáo Trung ương hiện nay, Ban Bí thư Trung ương Đảng đồng ý đề nghị của Ban Tuyên huấn Trung ương: Đổi tên trường Tuyên giáo Trung ương thành trường Tuyên huấn Trung ương.” Ngày 19/12/1982, Hội đồng bộ trưởng đã có công văn số 4670-V10 về việc quy định cho trường Tuyên giáo được hưởng chính sách, chế độ như các trường đại học.

- Trường Tuyên huấn Trung ương I (tháng 01/1983 - tháng 4/1990): Ngày 02/01/1983, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Quyết định số 15-QĐ/TW về công tác các trường Đảng, trong đó quyết định: “Thành lập Trường Tuyên huấn Trung ương I trên cơ sở hợp nhất Trường Tuyên huấn Trung ương và Trường Nguyễn Ái Quốc V”.

- Trường Tuyên giáo (tháng 4/1990 - tháng 11/1990): Ngày 01/03/1990, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Quyết định số 103-QĐ/TW về việc sắp xếp lại hệ thống trường Đảng trực thuộc Trung ương. Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định đổi tên trường Tuyên huấn Trung ương I thành trường Tuyên giáo. Trường Tuyên giáo trực thuộc Ban Bí thư.

- Trường Đại học Tuyên giáo (tháng 11/1990 - tháng 3/1993): Ngày 20/11/1990, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 406-HĐBT về việc công nhận trường đại học Tuyên giáo. Quyết định ghi rõ: “Công nhận trường Tuyên giáo thành trường đại học và có tên là: Trường Đại học Tuyên giáo; Trường đại học Tuyên giáo trực thuộc Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Về mặt Nhà nước, trường đại học Tuyên giáo chịu sự quản lý của Bộ Giáo dục và đào tạo, và được hưởng mọi chính sách, chế độ do Nhà nước ban hành cho hệ thống các trường đại học”.

- Phân viện Báo chí và Tuyên truyền (tháng 3/1993 - tháng 8/2005): Nhằm tăng cường vai trò, nhiệm vụ của các trường Đảng trung ương đáp ứng yêu cầu cách mạng trong giai đoạn mới, ngày 10/3/1993, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quyết định số 61-QĐ/TW về việc sắp xếp lại các trường Đảng trung ương, chuyển thành Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Quyết định ghi rõ: “Chuyển trường Đại học Tuyên giáo thành Phân viện Báo chí và Tuyên truyền của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.”

- Ngày 02/8/2005, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 4335/QĐ-HVCTQG quyết định “chuyển Phân viện Báo chí và Tuyên truyền thành Học viện Báo chí và Tuyên truyền, trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.”

 Quá trình xây dựng, trưởng thành và phát triển của Học viện gắn bó chặt chẽ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhà nước.Từ trước tới nay, dù mang những tên gọi khác nhau để phù hợp với từng giai đoạn cách mạng, Học viện vẫn luôn là một Trường Đảng trong hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đồng thời, với gần 30 năm là một Trường Đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Năm đầu thành lập, nhà trường có 5 khoa, 3 hệ và 4 phòng. Hoạt động chủ yếu của Trường là bồi dưỡng ngắn hạn cho đội ngũ cán bộ báo chí, xuất bản, huấn học, phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược là giải phóng miền Nam và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Nhiệm vụ chủ yếu được giao là giáo dục lý luận Mác-Lênin, bồi dưỡng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhiều cán bộ được đào tạo từ trường trở về công tác tại các cơ quan trung ương và địa phương, các trường Đảng, các trường đại học và Ban tuyên huấn các cấp.

Từ năm 1969, căn cứ vào yêu cầu bồi dưỡng đào tạo cán bộ Tuyên huấn trong tình hình mới, thực hiện nhiệm vụ do Trung ương Đảng giao, Trường mở rộng quy mô và loại hình đào tạo. Một mặt, tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng, các lớp đào tạo cơ bản; mặt khác Trường bắt đầu đào tạo bậc đại học.Sau một thời gian ngắn nỗ lực phấn đấu để khẳng định vị trí, chức năng của mình, Học viện đã nhanh chóng thực hiện đào tạo đại học chính quy 08 chuyên ngành, gồm: Triết học, Kinh tế chính trị, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Lịch sử Đảng, Xây dựng Đảng, Báo chí, Xuất bản, Tuyên truyền.

Ngày 20/11/1990, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển của nhà trường. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã ký Quyết định số 406-HĐBT công nhận Trường Tuyên huấn Trung ương là Trường Đại học. Từ đây, trường vừa là trường Đảng, vừa là trường đại học, thực hiện quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đóng góp vào công cuộc đào tạo cán bộ lý luận chính trị, tư tưởng văn hoá cho các cấp uỷ Đảng; đào tạo đội ngũ phóng viên, biên tập viên cho các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương. Với những điều kiện phát triển mới, các hoạt động của Trường được tăng cường và nâng cao hơn, đặc biệt là công tác giáo dục đào tạo phát triển ở một tầm cao mới. Trường mở thêm loại hình, cấp đào tạo với quy mô khác nhau; tạo mối quan hệ gắn bó với địa phương và với các tỉnh, ngành để mở các lớp đào tạo cử nhân chuyên ngành, góp phần tăng cường lực lượng cán bộ chủ chốt của Đảng trong công cuộc xây dựng đất nước.

Ngày 25/6/2015, Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 910/TTg-KGVX về việc bổ sung Học viện Báo chí và Tuyên truyền vào danh sách các trường xây dựng thành Trường Đại học trọng điểm quốc gia trong mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Hiện nay, Học viện đang là cơ sở đào tạo hàng đầu của cả nước về lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên các ngành lý luận Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; đội ngũ cán bộ tư tưởng - văn hóa, báo chí - truyền thông của Đảng và Nhà nước.

Học viện đang tổ chức đào tạo trình độ đại học hệ chính quy 41 ngành/chuyên ngành (trong đó có 05 chương trình chất lượng cao, 01 chương trình liên kết đào tạo với Đại học Middlessex của Vương quốc Anh) với hơn 2.000 sinh viên/năm; đào tạo trình độ thạc sĩ 12 ngành/ 20 chuyên ngành với 450 - 550 học viên/năm; đào tạo 6 ngành trình độ tiến sĩ với 30-50 nghiên cứu sinh/năm. Học viện đã mở được hơn 400 lớp bồi dưỡng cấp chứng chỉ chuyên môn, nghiệp vụ về công tác tuyên giáo, báo chí, xuất bản, quan hệ công chúng và quảng cáo, ngoại ngữ, tin học... với hơn mười ngàn lượt học viên tham gia.

Học viện hiện có 30 đơn vị trực thuộc, trong đó có 11 đơn vị chức năng và 19 đơn vị giảng dạy, nghiên cứu, thông tin, xuất bản. Tổng số công chức, viên chức và người lao động của Học viện là 406 người, trong đó có 353 cán bộ trong biên chế. Học viện có 37 Phó Giáo sư, 91 Tiến sĩ, 215 ThS, 40 cử nhân, 22 trình độ khác, trong đó tỉ lệ giảng viên chiếm trên 60% tổng số cán bộ toàn Trường.

Bên cạnh đội ngũ cán bộ cơ hữu, Học viện còn có sự tham gia của hàng trăm cán bộ, chuyên gia, nhà khoa học có uy tín, nhà chuyên môn thuộc các lĩnh vực lý luận chính trị, báo chí - truyền thông và các ngành khoa học xã hội nhân văn khác ở Trung ương và địa phương với vai trò là thành viên Hội đồng trường, cố vấn chuyên môn, giảng viên kiêm chức, thỉnh giảng...

Hoạt động chuyên môn của Nhà trường so với thời kỳ đầu đã có bước phát triển mạnh mẽ. Học viện liên tục đổi mới, hoàn thiện các chương trình đào tạo đại học và sau đại học theo hướng đảm bảo tính thống nhất, liên thông theo từng ngành, nhóm ngành đào tạo, phù hợp với phương thức đào tạo theo tín chỉ, góp phần nâng cao phẩm chất và năng lực của người học, giảm tải lý thuyết, tăng cường kỹ năng thực hành thực tập, thích ứng với nhu cầu của xã hội và chuẩn đầu ra.

Học viện luôn xác định cùng với công tác đào tạo, bồi dưỡng, hoạt động nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm, xuyên suốt, nhằm nâng cao chất lượng uy tín, thương hiệu học thuật của một cơ sở đào tạo, qua đó xây dựng luận cứ khoa học nhằm phát triển đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trên lĩnh vực lý luận chính trị, công tác tư tưởng - văn hóa, báo chí - truyền thông và các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn khác.

Học viện luôn quan tâm mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế nhằm nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, giảng viên và vị thế của Nhà trường trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, trao đổi học thuật với các quốc gia trên thế giới.

Học viện đã gửi nhiều cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng, trao đổi khoa học ở các nước trên thế giới. Hiện nay, Học viện đã có quan hệ hợp tác với nhiều học viện, đại học, tổ chức quốc tế như: Đại học Middlesex (Anh); Đại học Catholic (Mỹ); Đại học Tổng hợp Hamburg (Đứ); Đại học Minh Trị (Trung quốc), Đại học Seoul (Hàn Quốc)...  

Trong suốt chặng đường đã qua, bằng công sức lao động khoa học nghiêm túc và sáng tạo, các thế hệ cán bộ, giảng viên của Học viện đã khắc phục mọi khó khăn, vượt qua thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và Nhà nước.

AJC

Nội dung trong tệp đính kèm

Ý kiến