Ngày 06/05/2025, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Tọa đàm: “Giải pháp đột phá, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số báo chí - truyền thông trong tình hình mới”.
PGS,TS. Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện chủ trì buổi Tọa đàm. Tọa đàm có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo, quản lý, chuyên gia, nhà khoa học đến từ Báo Kinh tế và Đô thị; NXB Thông tin và Truyền thông; NXB Chính trị quốc gia Sự thật; Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Các đại biểu tham dự Tọa đàmThời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 749/QĐ-TTg ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ngày 15/6/2021, ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, xác định chuyển đổi số là “chìa khoá” để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đặc biệt, ngày 22/12/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo chí - truyền thông là lĩnh vực luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, đã đạt được nhiều thành tựu trong những năm qua.
Tuy nhiên, trước tình hình mới, đã đặt ra nhiều vấn đề thách thức mà báo chí - truyền thông phải đối mặt. Nhằm thúc đẩy báo chí - truyền thông phát triển, làm tốt chức năng định hướng thông tin trong thời gian tới cần thiết phải đề xuất đồng bộ các giải pháp, trong đó đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là một trong những giải pháp đột phá, quan trọng hàng đầu. Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số báo chí -truyền thông về tổng thể nhằm mục tiêu “hiện đại hóa” hoạt động theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”, báo chí trở thành công cụ hữu hiệu định hướng thông tin mạng, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia về thông tin trên không gian mạng.
Với ý nghĩa trên, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đề xuất xây dựng báo cáo kiến nghị với chủ đề “Giải pháp đột phá, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số báo chí - truyền thông trong tình hình mới” nhằm tham mưu với Đảng và Nhà nước công tác hoạch định chủ trương, đường lối chính sách phát triển báo chí - truyền thông đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
PGS,TS. Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện chủ trì Tọa đàmPhát biểu tại Tọa đàm, PGS,TS. Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện nhấn mạnh: “Tọa đàm nhằm lắng nghe trực tiếp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học tham gia vào xây dựng báo cáo kiến nghị phục vụ triển khai Văn kiện Đại hội XIV của Đảng”.
PGS,TS. Nguyễn Thị Trường Giang bày tỏ mong muốn, trên tinh thần khoa học, tầm nhìn sâu rộng, tư duy sâu sắc, nhiều trải nghiệm thực tế và tâm huyết, các nhà khoa học sẽ đóng góp nhiều ý kiến và luận giải xác đáng, giúp nhóm nghiên cứu có thêm cơ sở thực tiễn để hoàn thiện dự thảo báo cáo kiến nghị.
Tại Tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học thống nhất đánh giá, đây là một công trình khoa học quan trọng, nhóm nghiên cứu đã chuẩn bị dự thảo báo cáo kiến nghị công phu, nghiêm túc và phù hợp.
Các nhà khoa học cũng đánh giá cao việc xây dựng, đề xuất các giải pháp mang tính đột phá, đổi mới sáng tạo về chuyển đổi số báo chí - truyền thông chi tiết, cấu trúc logic, nhận diện rõ các vấn đề cần triển khai, giải pháp và kiến nghị bám sát cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Để báo cáo kiến nghị đảm bảo tính lý luận và thực tiễn cao, các nhà khoa học cũng đã có những góp ý đối với bố cục, nội dung của kiến nghị như: Báo cáo cần ngắn gọn hơn, giải pháp cần bám sát vào Nghị quyết 57, kiến nghị cần chú trọng vào các nội dung mang tính đột phá, sáng tạo và cấp thiết, nên có sự tham khảo ý kiến từ phía các cơ quan quản lý báo chí. Trong đào tạo báo chí- truyền thông cần cân nhắc đề xuất về việc quy hoạch lại các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông, chú trọng đặt hàng về đào tạo báo chí, xuất bản để tránh lãng phí việc đào tạo nguồn lực.
Tổng kết Tọa đàm, PGS,TS. Nguyễn Thị Trường Giang trân trọng cảm ơn những ý kiến góp ý tâm huyết của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học; khẳng định, những ý kiến đóng góp tại Tọa đàm đã giúp nhóm nghiên cứu sáng tỏ nhiều vấn đề. Nhóm sẽ nghiêm túc tiếp thu tất cả ý kiến để chọn lọc và chỉnh sửa, kết cấu lại báo cáo, nhằm đưa ra những kiến nghị thiết thực và hiệu quả nhất phục vụ triển khai Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.