Sáng 31/03/2025, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Hội thảo khoa học “Ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý các lĩnh vực tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay”. Hội thảo đã tổng kết thực tiễn, đánh giá đúng thực trạng, chỉ ra những tồn tại, bất cập và nguyên nhân; đồng thời, gợi mở định hướng, giải pháp khả thi, có cơ sở khoa học và thực tiễn để thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong quản lý các lĩnh vực của Học viện.
PGS, TS. Lưu Văn Quảng, Phó Giám đốc Học viện chí và Tuyên truyền và TS. Nguyễn Đức Toàn, Phó Giám đốc Học viện chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có các đồng chí lãnh đạo các đơn vị, cán bộ, giảng viên trong Học viện; đại diện Tập đoàn Giải pháp Công nghệ Thiên Hoàng.
Hội thảo khoa học “Ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý các lĩnh vực
tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay” diễn ra tại Phòng 204, tầng 2 Nhà A1
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS, TS. Lưu Văn Quảng, Phó Giám đốc Học viện nhận định, “Chuyển đổi số là xu thế khách quan, là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển tòan diện, bền vững của các quốc gia, tổ chức và cơ sở giáo dục đại học. Đối với Học viện Báo chí và Tuyên truyền – một cơ sở giáo dục trọng điểm trong hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, việc ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý không chỉ là yêu cầu bắt buộc, mà còn là điều kiện tiên quyết để nâng cao năng lực nội tại, hiện đại hóa mô hình quản lý và phục vụ tốt hơn sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về lý luận chính trị, báo chí – truyền thông và khoa học xã hội nhân văn”.
PGS, TS. Lưu Văn Quảng cho biết, trong những năm qua, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã từng bước triển khai ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động quản lý, điều hành. Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đã ban hành nhiều chủ trương, định hướng về chuyển đổi số, ưu tiên đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cấp phần mềm quản trị, tăng cường đào tạo năng lực số cho cán bộ, giảng viên và viên chức.
Học viện đã triển khai hệ thống điều hành văn bản điện tử, phần mềm quản lý nhân sự, phần mềm quản lý đào tạo, hệ thống khảo thí trực tuyến, phần mềm quản lý khoa học, quản lý sinh viên, thư viện số, cổng thông tin điện tử, hệ thống họp trực tuyến, hệ thống quản lý tài sản, tài chính... Các phần mềm này bước đầu đã hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động quản trị, góp phần nâng cao năng suất, tiết kiệm thời gian, chi phí, đảm bảo tính chính xác, minh bạch và kịp thời trong công tác quản lý.
Đặc biệt, trong hai năm trở lại đây, Học viện đã triển khai Đề án "Học viện thông minh", với mục tiêu xây dựng môi trường giáo dục số toàn diện, hướng tới mô hình quản trị hiện đại, tích hợp, đồng bộ và lấy dữ liệu làm trung tâm. Đây là định hướng đúng đắn, thể hiện quyết tâm đổi mới mạnh mẽ của Học viện trong thời đại số.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số tại Học viện còn gặp nhiều thách thức. Hạ tầng công nghệ chưa thực sự đồng bộ; hệ thống phần mềm đôi khi chưa tương thích, liên thông; năng lực số của một bộ phận cán bộ, giảng viên còn hạn chế; nguồn lực tài chính, nhân lực phục vụ chuyển đổi số còn thiếu; cơ sở dữ liệu lớn chưa được xây dựng đầy đủ, chưa có chiến lược khai thác dữ liệu hiệu quả; vấn đề an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu cũng đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao...
PGS, TS. Lưu Văn Quảng, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu khai mạc và Đề dẫn Hội thảo
Hội thảo đã nhận được nhiều bài tham luận và lắng nghe 7 ý kiến phát biểu của các nhà khoa học, tiếp cận chủ đề Hội thảo từ các góc cạnh khác nhau.
Các tham luận, ý kiến phát biểu đều khẳng định, chuyển đổi số đã và đang trở thành xu thế tất yếu và không thể đảo ngược, có tác động sâu sắc tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, chuyển đổi số giáo dục và đào tạo là một bộ phận quan trọng trong tổng thể chương trình chuyển đổi số quốc gia, nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng và cơ hội tiếp cận giáo dục cũng như hiệu quả quản lý giáo dục.
Đối với Học viện Báo chí và Tuyên truyền, việc ứng dụng chuyển đổi số không chỉ giúp nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong các hoạt động quản lý mà còn góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và các lĩnh vực khác của trường đại học, tiến tới xây dựng mô hình quản trị hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời đại mới.
ThS. Trần Xuân Ban, Trưởng ban Kế hoạch - Tài chính tham luận, trao đổi về ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý tài chính, kế toán của Ban Kế hoạch - Tài chính
TS. Nguyễn Thị Khuyên, Phó Trưởng khoa Kinh tế chính trị tham luận và trao đổi về chuyển đổi số tại Học viện
ThS. Vũ Hồng Thái, Phó Chánh Văn phòng Học viện trao đổi, chia sẻ về những khó khăn trong chuyển đổi số tại Học viện thời gian qua
Nhiều báo cáo, tham luận và phát biểu của các nhà khoa học đã đi sâu phân tích, nhìn nhận, đánh giá khách quan thực trạng ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý các lĩnh vực ở Học viện hiện nay; chỉ ra những kết quả đạt được, đồng thời, thẳng thắn nêu rõ những hạn chế, tồn tại, những khó khăn, vướng mắc trong ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý của của Học viện.
ThS. Đinh Xuân Phi, Phó Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo trao đổi về ứng dụng chuyển đổi số của Trung tâm Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo
ThS. Vũ Quốc Cường, Chánh Văn phòng Học viện trao đổi về ứng dụng chuyển đổi số của Văn phòng Học viện
TS. Nguyễn Thúy Hà, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo trao đổi, chia sẻ về thực trạng chuyển đổi số tại Ban Quản lý khoa học
Ông Chu Văn Tùng, Trưởng phòng Tư vấn giải pháp chuyển đổi số, Tập đoàn Giải pháp Công nghệ Thiên Hoàng trao đổi, chia sẻ về một số giải phápTập đoàn có thể hỗ trợ Học viện trong quá trình chuyển đổi số trong thời gian tới
Trao đổi, thảo luận về định hướng, giải pháp và khuyến nghị về ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý các lĩnh vực ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền trong thời gian tới, các nhà khoa học cho rằng, Học viện cần đổi mới căn bản, toàn diện, mạnh mẽ các mặt hoạt động, tập trung vào những nhiệm vụ then chốt của công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế,… đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban Giám đốc Học viện cần sớm có kế hoạch cụ thể, lộ trình rõ ràng về chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động của Học viện; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhất là hạ tầng công nghệ thông tin của nhà trường, đảm bảo tính liên thông, kết nối, đồng bộ, an ninh, an toàn; đầu tư xứng đáng cho đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho chuyển đổi số, đảm bảo đội ngũ nhân sự công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu; trang bị tri thức, kiến thức, kỹ năng, thái độ đúng đắn cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý để chủ động ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý các lĩnh vực ở Học viện; chuẩn bị thật tốt các nguồn tài chính cần thiết cho hoạt động chuyển đổi số trong quản lý các lĩnh vực.
TS. Nguyễn Đức Toàn, Phó Giám đốc Học viện phát biểu tổng kết Hội thảo
Tổng kết Hội thảo, TS. Nguyễn Đức Toàn, Phó Giám đốc Học viện trân trọng cảm ơn các đại biểu, nhà khoa học đã viết bài và trực tiếp phát biểu tại Hội thảo, đồng thời, khẳng định, Hội thảo “Ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý các lĩnh vực tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay” đã thành công tốt đẹp. Những ý kiến tham luận, bài viết của các nhà khoa học đã cung cấp những luận cứ khoa học hữu ích, góp phần giải quyết những vấn đề nóng đang đặt ra đối với việc ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý các lĩnh vực ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay.
TS. Nguyễn Đức Toàn nhấn mạnh: “Nhiều mô hình hay, bài học kinh nghiệm hữu ích, các đề xuất, giải pháp có giá trị cao đưa ra trong Hội thảo hôm nay sẽ là cơ sở để lãnh đạo Học viện đề ra các chiến lược, giải pháp hiệu quả nhằm đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số tại Học viện trong thời gian tới”.