Sáng ngày 23 tháng 5 năm 2025 Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Báo chí - truyền thông trong bối cảnh AI phát triển”. Đây là hội thảo quốc tế lần thứ 10 trong khuôn khổ hợp tác giữa Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc.
Tham dự Hội thảo có, PGS,TS. Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; PGS,TS. Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; bà Vũ Việt Trang, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; ông Lee Byung Hwa, Giám đốc quốc gia KOICA Việt Nam; bà Lee Yoo Young Eun, Phó Giám đốc quốc gia KOICA Việt Nam; ông Dương Hồng Hải, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng Công nghệ và Truyền thông, Đài Tiếng nói Việt Nam; PGS,TS. Hoàng Văn Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS,TS. Nguyễn Xuân Phong, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực IV, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; bà Nguyễn Thị Minh Huế, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí – Xuất bản, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; ông Ngô Thanh Hiển, Phó Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở và Thông tin đối ngoại, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Trưởng ban Nhân dân điện tử, Báo Nhân dân.

Quang cảnh Hội thảo khoa học quốc tế “Báo chí – truyền thông trong bối cảnh AI phát triển”
Về phía Học viện Báo chí và Tuyên truyền có, PGS,TS. Mai Đức Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; PGS,TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Khoa học – Đào tạo Học viện; PGS,TS. Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện; PGS,TS. Lưu Văn Quảng, Phó Giám đốc Học viện; TS. Nguyễn Đức Toàn, Phó Giám đốc Học viện; các đồng chí nguyên lãnh đạo Học viện; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Học viện; đông đảo các học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước; cán bộ, giảng viên, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

PGS,TS. Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu chào mừng Hội thảo
Phát biểu chào mừng Hội thảo, PGS,TS. Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá cao việc Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề có ý nghĩa thời sự, đúng vào thời điểm trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển mạnh mẽ và đặt ra nhiều vấn đề mới đối với lĩnh vực báo chí – truyền thông. AI đang làm thay đổi sâu sắc cách thức con người tiếp cận, sản xuất và phân phối thông tin, đồng thời mang đến những thách thức lớn về đạo đức báo chí, tin giả và sự thao túng nhận thức.
Nhằm đảm bảo hệ thống báo chí phát triển đúng tôn chỉ, mục đích và đáp ứng yêu cầu của thời đại số, PGS,TS. Lê Hải Bình đề xuất ba định hướng chiến lược từ góc độ quản lý nhà nước: hoàn thiện khung pháp lý về AI trong báo chí; hỗ trợ ứng dụng công nghệ AI tại các cơ quan báo chí; nâng cao năng lực số cho đội ngũ người làm báo.

PGS,TS. Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu chỉ đạo Hội thảo
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, PGS,TS. Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, sự phát triển bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) đang tạo ra những biến đổi sâu sắc, toàn diện trong mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực báo chí – truyền thông. Báo chí không thể đứng ngoài xu thế công nghệ, việc làm chủ AI phải được định hướng rõ ràng, nhất quán nhằm phục vụ hiệu quả cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách và giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng.
Trên tinh thần đó, PGS,TS. Dương Trung Ý đề nghị Học viện Báo chí và Tuyên truyền tiến hành đánh giá toàn diện các vấn đề mà AI đặt ra đối với báo chí – truyền thông, từ đó đề xuất với Lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh các giải pháp chiến lược, bao gồm: cập nhật và đổi mới chương trình đào tạo để trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng cần thiết về AI; đẩy mạnh nghiên cứu về tác động của AI đến hoạt động báo chí – truyền thông; nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên.

Ông Lee Byung Hwa, Giám đốc khu vực Châu Á, Giám đốc quốc gia KOICA Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu của Giám đốc khu vực Châu Á, Giám đốc quốc gia KOICA Việt Nam, ông Lee Byung Hwa nhấn mạnh, đây là một sự kiện mang tính biểu tượng thể hiện tình hữu nghị mà Học viện Báo chí và Tuyên truyền, KOICA và giới báo chí hai nước đã cùng nhau vun đắp trong suốt 10 năm qua. Đặc biệt, chủ đề “Báo chí - truyền thông trong bối cảnh AI phát triển” đã phản ánh một cách sắc nét dòng chảy của những thay đổi mà tất cả chúng ta đang phải đối mặt hiện nay. Công nghệ trí tuệ nhân tạo đang tạo ra những ảnh hưởng sâu rộng đến môi trường báo chí và truyền thông. Phương thức sản xuất và truyền tải thông tin đang thay đổi một cách căn bản, từ đó đặt ra những thách thức mới đối với người làm báo cũng như các chuẩn mực đạo đức trong nghề báo.

PGS,TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Đào tạo Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu đề dẫn Hội thảo
Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS,TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh, AI không chỉ thay đổi căn bản quy trình sản xuất, phân phối và tiếp nhận thông tin mà còn mở ra những khả năng vượt trội trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả truyền thông. Sự phát triển này cũng đặt ra nhiều vấn đề nghiêm trọng về đạo đức nghề nghiệp, pháp lý và an ninh thông tin.
PGS,TS. Phạm Minh Sơn đề nghị, các nhà khoa học tập trung vào bốn nhóm nội dung trọng tâm: làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về tác động của AI; nhận diện rõ cơ hội và thách thức mà AI mang lại; đề xuất các giải pháp chiến lược về chính sách, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và hợp tác quốc tế; vai trò của các cơ sở đào tạo, đặc biệt là Học viện Báo chí và Tuyên truyền, trong việc đổi mới chương trình và nâng cao năng lực của nguồn nhân lực báo chí – truyền thông.

Đoàn chủ tịch điều hành Hội thảo gồm: PGS,TS. Lê Hải Bình, Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; PGS,TS. Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS,TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Bà Vũ Việt Trang, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam.
Hội thảo bao gồm hai phiên thảo luận với sự tham gia của nhiều diễn giả uy tín từ Việt Nam và Hàn Quốc với các chủ đề như: Kiến tạo môi trường phát triển báo chí - truyền thông trong bối cảnh phát triển của công nghệ AI; trí tuệ nhân tạo và việc sử dụng nó trong truyền thông cũng như những thay đổi trong tương lai; truyền thông chính sách trong bối cảnh chuyển đổi số; tận dụng sức mạnh của trí tuệ nhân tạo (AI) để thúc đẩy sự phát triển của báo chí Việt Nam trong kỷ nguyên số; AI định hình lại ngành báo chí truyền thông; “Đồng nghiệp A.I” trong sản xuất báo chí, truyền hình; những ứng dụng mới nhất của AI trong lĩnh vực báo chí và truyền thông./.

Bà Nguyễn Thị Minh Huế, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương tham luận “Kiến tạo môi trường phát triển báo chí - truyền thông trong bối cảnh phát triển của công nghệ AI”

PGS,TS. Park Young Eun, Đại học Nữ sinh Sookmyung, Hàn Quốc tham luận trực tuyến “Trí tuệ nhân tạo và việc sử dụng nó trong truyền thông cũng như những thay đổi trong tương lai”

Ông Ngô Thanh Hiển, Phó Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở và Thông tin đối ngoại, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham luận “Chia sẻ kinh nghiệm về cách thức AI và các công nghệ số đang thay đổi quy trình thu thập, xử lý thông tin cũng như sản xuất nội dung trong lĩnh vực thông tin cơ sở và thông tin đối ngoại”

PGS, TS. Đinh Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí - Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tham luận “Tận dụng sức mạnh của trí tuệ nhân tạo (AI) để thúc đẩy sự phát triển của báo chí Việt Nam trong kỷ nguyên số”
Phát biểu bế mạc Hội thảo, PGS,TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh, Hội thảo đã diễn ra với hai phiên làm việc, tập trung vào các vấn đề cốt lõi liên quan đến sự phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực báo chí - truyền thông. Các tham luận và thảo luận đã làm rõ nhiều khía cạnh từ lý luận đến thực tiễn, từ chính sách quản lý đến yêu cầu đào tạo và ứng dụng công nghệ trong hoạt động truyền thông hiện đại.
Với vai trò là cơ sở đào tạo báo chí và truyền thông hàng đầu tại Việt Nam, Học viện Báo chí và Tuyên truyền ý thức rõ rằng, những vấn đề được thảo luận tại Hội thảo ngày hôm nay không chỉ là xu hướng công nghệ đơn thuần, mà là những thách thức và cơ hội mang tính chiến lược, then chốt đối với công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và bồi dưỡng nguồn nhân lực. Sự phát triển vũ bão của AI đòi hỏi chúng ta phải liên tục đổi mới căn bản và toàn diện chương trình giảng dạy, cập nhật kiến thức và kỹ năng cần thiết để trang bị cho sinh viên, học viên những năng lực cốt lõi và khả năng cạnh tranh trong một ngành nghề đang biến đổi mạnh mẽ.
Trong khuôn khổ hợp tác từ năm 2016 đến nay, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và KOICA đã phối hợp tổ chức 10 hội thảo khoa học quốc tế và triển khai các chương trình bồi dưỡng tại Hàn Quốc. Những kết quả hợp tác này đã góp phần trong việc nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, nhà báo và cán bộ truyền thông tại Việt Nam. Đại diện KOICA, đơn vị đồng tổ chức, ông Lee Byung Hwa, Giám đốc quốc gia KOICA Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng Học viện Báo chí và Tuyên truyền trong việc nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, giảng viên của Học viện, nhằm đáp ứng yêu cầu của truyền thông hiện đại và xu hướng chuyển đổi số. |


Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm