Chiều ngày 9/4/2025, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Chương trình khoa học và công nghệ đặc biệt cấp quốc gia “Nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đổi mới (giai đoạn từ năm 1986 đến nay, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045)”, mã số KX.02/21-25, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì thực hiện, Ban Chủ nhiệm Chương trình tổ chức Hội thảo khoa học lần thứ 3 với chủ đề: “Vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong kỷ nguyên mới”.
Dự và chủ trì Hội thảo có các đồng chí: GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình KX.02/21-25; GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ nhiệm Chương trình KX.02/21-25; GS,TS Trần Văn Phòng, Ủy viên thường trực Hội đồng Khoa học Học viện, Phó Chủ nhiệm Chương trình KX.02/21-25.

GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu đề dẫn hội thảo.
Tham dự Hội thảo có các đồng chí trong Ban Giám đốc Học viện: PGS,TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc thường trực Học viện; PGS,TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện; PGS,TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện; GS,TS Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; đại diện lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ, một số ban, ngành Trung ương; Hội đồng Lý luận Trung ương; thành viên Ban Chủ nhiệm Chương trình KX.02/21-25 và Ban Chủ nhiệm các đề tài nhánh thuộc Chương trình, cùng đông đảo chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài Học viện; một số cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và Hà Nội.
Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình KX.02/21-25 cho biết: hội thảo được tổ chức trong không khí toàn Đảng, toàn quân và toàn dân hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025); kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025) và nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; quyết tâm thực hiện các chuyển đổi mang tính “cách mạng” để đưa đất nước bứt phá phát triển; chuẩn bị tiến tới tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Quang cảnh hội thảo.
Đây cũng là thời điểm tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 09/10/2014 của Bộ Chính trị về “Công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030”; là dịp để đánh giá những kết quả đã đạt được, rút ra bài học kinh nghiệm, từ đó xác định những định hướng nghiên cứu lớn, có tính chiến lược. Những định hướng này sẽ phục vụ hiệu quả cho việc hoạch định và triển khai các quyết sách lớn của Đảng, góp phần nâng cao hơn nữa tầm vóc và chất lượng công tác lý luận – theo tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Tổng Bí thư Tô Lâm, đặc biệt được thể hiện sâu sắc trong bài viết “Rạng rỡ Việt Nam”, v.v.. Trong bối cảnh đó, yêu cầu đặt ra đối với công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn càng trở nên cấp thiết và quan trọng hơn bao giờ hết.
Theo GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên mà dân tộc đang vươn mình mạnh mẽ cả về thế và lực, vị thế và uy tín quốc tế, nhiệm vụ đặt ra cho công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn rất quan trọng. Trong đó, trọng tâm là nghiên cứu, tổng kết những vấn đề lý luận, thực tiễn, những bài học sâu sắc từ lịch sử 100 năm Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam; tổng kết 40 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991), hình thành hệ luận cứ toàn diện phục vụ cho việc xây dựng Cương lĩnh xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Riêng trong năm 2025, công tác nghiên cứu lý luận cần tập trung hoàn thành việc tổng kết 40 năm công cuộc đổi mới, 50 năm đất nước thống nhất, và 80 năm thành lập nước - Đây không chỉ là những dấu mốc mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc, mà còn là cơ sở khoa học và thực tiễn quan trọng để xây dựng và hoàn thiện dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng yêu cầu.

Đại biểu tham dự hội thảo

Đại biểu tham dự hội thảo
Với hơn 40 tham luận và nhiều ý kiến phát biểu trực tiếp, từ nhiều góc độ khác nhau, các báo cáo, tham luận đã tiếp tục làm sáng rõ nội dung, giá trị, ý nghĩa, tầm vóc, sức sống thực tiễn, trường tồn của di sản Hồ Chí Minh; đồng thời khẳng định: Tư tưởng, đạo đức, phương pháp cách mạng, phong cách Hồ Chí Minh là tài sản vô cùng to lớn, quý giá của dân tộc và nhân loại.
Các tham luận thống nhất khẳng định: kiên định, vững vàng trên nền tảng tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường cách mạng mà Người đã tìm ra, đã dẫn dắt và thiết kế cho tương lai của dân tộc, Đảng ta ngày càng nhận thức sâu sắc tầm quan trọng và sự cần thiết phải vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhờ đó, dân tộc Việt Nam đã tạo nên những kỳ tích trong gần một thế kỷ dưới sự lãnh đạo của Đảng và 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới. Thực tiễn đó là minh chứng sinh động, đầy sức thuyết phục về giá trị dẫn đường, soi sáng tương lai của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam.

GS,TS Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương trao đổi tại hội thảo

Đại biểu tham luận tại hội thảo
Các tham luận cũng tiếp tục làm sáng tỏ, sâu sắc nội hàm, mục tiêu, đích đến của kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên giàu mạnh của dân tộc Việt Nam; khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm rạng rỡ cơ đồ dân tộc Việt Nam trên con đường giải phóng và phát triển, đi đến tương lai tươi sáng. Vững vàng trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam, với thế và lực đã tích luỹ được sau 40 năm đổi mới, ý Đảng hòa quyện với lòng dân, đã hội tụ đủ những điều kiện, tiền đề cần thiết để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc tiếp sau kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội và kỷ nguyên đổi mới. Kỷ nguyên phát triển mới là kỷ nguyên đất nước có tốc độ và chất lượng phát triển cao, bền vững và bao trùm; bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nhiều tham luận đề xuất quan điểm, định hướng giải pháp tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong kỷ nguyên phát triển mới. Theo các tham luận, trên nền tảng nội dung và giá trị lý luận và thực tiễn to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh, đòi hỏi sự vận dụng và phát triển phải xuất phát từ quan điểm khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể; kiên định và đổi mới; đổi mới và sáng tạo; tất cả đều hướng đến mục tiêu cao nhất là: xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc.

Đại biểu trao đổi tại hội thảo

Đại biểu trao đổi tại hội thảo