Hội thảo khoa học “Tự đánh giá 11 chương trình đào tạo - Kinh nghiệm và giải pháp”

15:10 16/05/2025

Sáng 16/05/2025, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Tự đánh giá 11 chương trình đào tạo - Kinh nghiệm và giải pháp”.

Hội thảo do TS. Nguyễn Đức Toàn, Phó Giám đốc Học viện chủ trì. Đồng chủ trì có TS. Nguyễn Thúy Hà, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo. 

Hội thảo có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo, nhà khoa học, chuyên gia đến từ các trung tâm, đơn vị kiểm định chất lượng giáo dục các trường đại học và các đơn vị trong Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Hội thảo diễn ra tại Phòng 204, tầng 2 Nhà A1.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Đức Toàn, Phó Giám đốc Học viện nhấn mạnh: “Hội thảo khoa học nhằm tổng kết quá trình tự đánh giá 11 chương trình đào tạo, chia sẻ những bài học kinh nghiệm thực tiễn, nhận diện các điểm còn tồn tại, từ đó, đề xuất hệ thống giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tự đánh giá trong giai đoạn tiếp theo – đặc biệt trong bối cảnh Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 04/2025/TT-BGDĐT với những điều chỉnh quan trọng về bộ tiêu chuẩn đánh giá chương trình đào tạo.”.

TS. Nguyễn Đức Toàn cho rằng, tự đánh giá không chỉ là bước quan trọng đầu tiên trong quy trình kiểm định chất lượng, mà còn là dịp để toàn Học viện, nhất là các đơn vị được kiểm định tự soi chiếu chính mình, xác định rõ điểm mạnh cần phát huy, những điểm yếu, hạn chế, khó khăn cần khắc phục, làm nền tảng cho các quyết sách cải tiến và phát triển chương trình đào tạo nói riêng, chất lượng cơ sở đào tạo nói chung trong thời gian tới.

Từ tháng 8 năm 2024 đến tháng 4 năm 2025, Học viện đã tổ chức tự đánh giá 11 chương trình đào tạo thuộc 6 ngành học, chuẩn bị cho đợt khảo sát chính thức của Đoàn chuyên gia đánh giá ngoài đến từ Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong suốt hơn 8 tháng triển khai, dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, Trung tâm Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo đã phối hợp chặt chẽ các khoa, viện chuyên môn và các đơn vị chức năng đã xây dựng báo cáo tự đánh giá, thu thập minh chứng, rà soát chuẩn đầu ra, cập nhật chương trình, tổ chức khảo sát lấy ý kiến bên liên quan và củng cố hệ thống tư liệu - minh chứng toàn diện theo yêu cầu. 

TS. Nguyễn Đức Toàn, Phó Giám đốc Học viện phát biểu khai mạc Hội thảo.

Hội thảo đã nhận được nhiều bài tham luận của các nhà khoa học trong và ngoài Học viện. Tại phiên trực tiếp, Hội thảo đã lắng nghe nhiều ý kiến trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm tâm huyết và trách nhiệm cao của các nhà khoa học. 

TS. Nguyễn Thúy Hà, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo báo cáo Đề dẫn Hội thảo.

Các tham luận, ý kiến tại Hội thảo đều thống nhất khẳng định vai trò quan trọng và tính cấp thiết của hoạt động tự đánh giá trong hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục đại học. 

Trong thực tiễn triển khai tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền vừa qua, nhất là công tác tự đánh giá 11 chương trình đào tạo gần đây, đã cho thấy sự thay đổi tích cực về nhận thức và hành động trong toàn hệ thống, từng bước hình thành ý thức, tư duy, phương pháp hoạt động theo hướng đảm bảo chất lượng đào tạo tại các đơn vị.

ThS. Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo Học viện Hành chính và Quản trị công trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về nhân lực, hệ thống phần mềm sử dụng trong kiểm định chất lượng đào tạo.
TS. Phan Xuân Thắng, Phó Viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo và Chuyển giao công nghệ, Trường Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số.
PGS, TS. Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Trưởng Khoa Chính trị học tham luận về: “Kiểm định chương trình đào tạo ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền - Kinh nghiệm và giải pháp”.
TS. Vũ Thùy Dương, Trưởng khoa Xuất bản chia sẻ kinh nghiệm về quá trình kiểm định chất lượng đào tạo chuyên ngành do Khoa Xuất bản phụ trách.

Các ý kiến tại Hội thảo ghi nhận và đánh giá cao những kết quả tích cực trong quá trình tự đánh giá 11 chương trình đào tạo của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Một trong những thành công nổi bật là việc tổ chức triển khai tự đánh giá được thực hiện một cách bài bản, nghiêm túc, theo đúng quy trình và khung hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Qua đợt tự đánh giá này, Học viện cũng đã tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm về tổ chức nhân sự, điều phối thời gian, chủ động chuẩn bị tài liệu, minh chứng phục vụ kiểm định chất lượng, qua đó, tạo tiền đề cho các đợt kiểm định tiếp theo.

PGS, TS. Nguyễn Ngọc Oanh, Trưởng khoa Quan hệ quốc tế trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình Khoa Quan hệ quốc tế thực hiện kiểm định chương trình đào tạo.
PGS, TS. Phạm Hương Trà, Trưởng khoa Xã hội học và Phát triển chia sẻ kinh nghiệm về quá trình kiểm định chất lượng đào tạo chuyên ngành do Khoa Xã hội học và Phát triển phụ trách.
TS. Nguyễn Thị Khuyên, Phó Trưởng khoa Kinh tế chính trị tham luận về “Đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng chương trình đào tạo tại Khoa Kinh tế chính trị Học viện Báo chí và Tuyên truyền - Thuận lợi, khó khăn và giải pháp”.
ThS. Vũ Quốc Cường, Chánh Văn phòng Học viện tham luận về “Một số gợi mở nâng cao chất lượng tự đánh giá chương trình đào tạo ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay”.
ThS. Trần Xuân Ban, Trưởng ban Kế hoạch - Tài chính tham luận về: “Một số kinh nghiệm rút ra trong tự đánh giá 11 chương trình đào tạo ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền”.
TS. Vũ Tuấn Hà, Phó Trưởng khoa Quan hệ công chúng và Quảng cáo, tham luận về: “Thực tiễn triển khai hoạt động tự đánh giá chương trình đào tạo tại Khoa Quan hệ công chúng và Quảng cáo và một số giải pháp để Học viện Báo chí và Tuyên truyền triển khai có hiệu quả hoạt động này cho các chương trình đào tạo tiếp theo”.
TS. Đinh Thị Thanh Tâm, Phó Trưởng khoa Tuyên truyền, tham luận về: “Kinh nghiệm kiểm định hai chuyên ngành Quản lý hoạt động tư tưởng - văn hóa và Truyền thông chính sách của Khoa Tuyên truyền.

Từ thực tế yêu cầu hiện nay, các chuyên gia, nhà khoa học đã gợi mở và đề xuất nhiều giải pháp cụ thể, có tính hệ thống và khả năng triển khai cao nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tự đánh giá chương trình đào tạo trong thời gian tới như: Học viện cần sớm kiện toàn tổ chức bộ máy chuyên trách và nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác tự đánh giá ở cả cấp Học viện và cấp khoa, viện; xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ kiểm định chất lượng một cách đồng bộ, hiện đại và có khả năng liên thông giữa các đơn vị; đổi mới phương thức và quy trình thực hiện tự đánh giá theo hướng tích hợp và liên thông với các hoạt động quản lý học thuật thường xuyên; cần có chính sách động viên, khích lệ đối với các đơn vị, cán bộ, giảng viên thực hiện tốt công tác tự đánh giá và kiểm định chất lượng; xây dựng cơ chế cập nhật và nội hóa thường xuyên các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn mới liên quan đến kiểm định chất lượng giáo dục, đặc biệt là Thông tư 04/2025/TT-BGDĐT - bộ tiêu chuẩn kiểm định chương trình đào tạo vừa được ban hành. 

TS. Nguyễn Thị Hải Yến, Phó Trưởng ban Quản lý khoa học trao đổi, chia sẻ tại Hội thảo
TS. Lê Đình Năm, Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh trao đổi, chia sẻ tại Hội thảo
TS. Trần Thị Bình, Phó Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật trao đổi, chia sẻ tại Hội thảo
TS. Lê Thu Hà, Phó Viện trưởng Viện Báo chí - Truyền thông trao đổi, chia sẻ tại Hội thảo

Tổng kết Hội thảo, TS. Nguyễn Đức Toàn khẳng định, những ý kiến của các đại biểu, nhà khoa học đã cung cấp luận cứ khoa học quan trọng cho Ban Giám đốc Học viện, Trung tâm Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo và các đơn vị thực hiện kiểm định chất lượng nâng cao hơn nữa chất lượng tự đánh giá, nhất là trong bối cảnh Học viện chuẩn bị triển khai công tác kiểm định chất lượng 04 chương trình đào tạo trình độ đại học và 02 chương trình trình độ thạc sĩ.

Các nhà khoa học chụp ảnh lưu niệm.

 

Tin, ảnh: Mai Nghiêm, Khôi Nguyên